Nực cười quảng cáo phân bón silic - silicamol giảm 80% các loại sâu, bệnh hại
Tại một hội nghị giới thiệu phân bón Silic - Silicamol, đại diện Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Hùng Ngọc (số 38, Phố Đức Giang, P. Đức Giang, Q. Long Biên, Hà Nội) đã đưa ra những tính năng "siêu việt" về sản phẩm.
Ví dụ, sử dụng phân bón giúp cây trồng kháng 80% các loại sâu bệnh như đạo ôn cổ bông, khô vằn xoắn lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy, chuột và ốc bươu vàng.
Bón phân giúp giảm 80% các loại sâu bệnh?
Những thông tin trên được ông Nguyễn Cao Trí, PGĐ kinh doanh khu vực phía Bắc đưa ra, khiến hàng trăm nông dân có mặt tại hội trường UBND xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương há hốc mồm. Những tiếng xì xào bàn tán phát ra: “Nếu phân bón của các ông tốt như thế thật thì mấy cửa hàng bán thuốc BVTV đóng cửa hết”; “Tôi chẳng tin trên đời lại có thứ phân bón giống thần dược như vậy”…
|
Sản phẩm phân bón Silic - Silicamol 8 quả đào của Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Hùng Ngọc |
Ông Nguyễn Cao Trí đứng hiên ngang giữa hội trường và dõng dạc nói với đại diện Sở NN-PTNT Hải Dương; lãnh đạo UBND huyện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Sách rằng: “Phân bón nguyên chất Silic - Silicamol và phân bón khoáng trung lượng của Cty Hùng Ngọc sản xuất vô cùng đặc biệt, đã được thử nghiệm ở Hải Dương 3 năm qua. Có thể sử dụng cho tất cả các loại cây trồng".
Ông "chém" tiếp: Chỉ cần bón 10kg Silic (kèm với phân bón NPK) cho một sào ruộng là có thể giảm 12 loại sâu bệnh trên cây lúa nước. Cụ thể, giảm được 80% bệnh đạo ôn; 80% bệnh xoắn lá; 80% sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy; đồng thời bón phân Silic cũng giúp cây lúa giảm bệnh bạc lá. Thửa ruộng nào bị chuột, ốc bươu vàng cắn phá nhiều, nếu sử dụng Silic - Silicamol thì không cần quây ni lông ngăn ngừa.
Nghe xong, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Nam Sách đã đăng đàn để “nói lại cho rõ” với bà con và các vị GĐ HTX có mặt tại hội trường. “Tôi nói luôn là phân bón Silic mới đang trong quá trình khảo nghiệm tại địa phương thôi, chưa thể nhân rộng. Đặc biệt, phân bón Silic chỉ là phân bón vi lượng, cung cấp một số vi lượng, chứ không thay thế được các loại phân bón khác”, ông Hà nói.
Quá bất ngờ về những thông tin trên, chúng tôi đã xin lại bao bì sản phẩm phân bón Silic - Silicamol 8 quả đào của Cty Hùng Ngọc đem về tham khảo. Mặt trước bao bì của sản phẩm này in đậm dòng quảng cáo “Khỏe rễ, kháng bệnh, tăng năng suất”. Thành phần của phân bón này gồm: SiO2 ≥20%; Fe2O3 ≥10%; MgO ≥5%; độ ẩm… 10%.
So với các loại phân bón khác, thì đây không phải là loại phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao. Thế nhưng, theo thông tin in trên bao bì, “công dụng của phân bón là giúp tăng năng suất cây trồng 20% trở lên”.
Chỉ dựa vào đánh giá của khuyến nông huyện
Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Đình Ngọc, Chủ tịch HĐTV, TGĐ Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Hùng Ngọc xác nhận những thông tin quảng cáo sản phẩm được ông Nguyễn Cao Trí phát ngôn là đúng.
Trước câu hỏi: “Dựa vào cơ sở nào để nói rằng, sản phẩm Silic - Silicamol của công ty giúp giảm 80% nhiều loại sâu, bệnh hại trên lúa?”, ông Ngọc nói: “Tất cả các văn bản phối hợp thực hiện với trạm Khuyến nông của huyện và thực tế đều đều có kết quả như vậy”. “Sản phẩm không phải thuốc BVTV, nhưng tính năng của Silic củng cố tế bào của cây trồng, tóm lại cây trồng khỏe thì sẽ át bệnh tật”.
|
Ông Nguyễn Cao Trí đang thuyết trình về ưu điểm vượt trội của phân bón Silic - Silicamol tại Nam Sách, Hải Dương |
Vị GĐ còn nói thêm: “Khả năng kháng bệnh thì tùy theo dịch bệnh, tùy theo từng mùa. Nhưng có những thời điểm chúng tôi xây dựng mô hình (sử dụng phân bón Silic) thì không cần phun thuốc BVTV. Nhưng tóm lại, cứ giảm 50% (thuốc BVTV) thì công ty làm nhiều rồi”.
- Vậy, thông tin phân bón Silic của Cty Hùng Ngọc có thể giảm 80% nhiều đối tượng sâu bệnh hại đã được cơ quan quản lý nhà nước khảo kiểm nghiệm và đánh giá chưa? - PV hỏi.
- Chúng tôi chỉ đi qua kênh của khuyến nông thôi. Nếu qua kênh của khảo nghiệm phân bón, chỉ bên hữu cơ mới phải kiểm nghiệm, còn bên vô cơ thì không phải kiểm nghiệm vì cứ đủ điều kiện là được lưu hành sản phẩm - ông Ngọc trả lời.
Quảng cáo đi quá xa sự thật!
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), để nâng cao sức khỏe của cá thể hoặc một quần thể cây trồng, người ta thường bàn đến khái niệm quản lý cây trồng tổng hợp (bao gồm rất nhiều khâu, từ xác định khung thời vụ gieo trồng, giống, làm đất, mật độ gieo trồng phù hợp, quản lý tưới tiêu, môi trường, khí hậu, BVTV, chế độ dinh dưỡng).
Silic chỉ là một yếu tố nhỏ giúp tăng cường sức khỏe và khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng. Bởi, đây là yếu tố góp phần làm vách tế bào thân, lá, cành cứng hơn. Việc quảng bá thông tin “Chỉ cần bón 10 kg/sào ruộng sẽ giúp cây trồng giảm được 80% sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy, bệnh đạo ôn, xoắn lá...” là rất cảm tính, kết luận vội vã, thiếu cơ sở và đi quá xa sự thật.
"Vậy, việc quảng cáo phân bón có khả năng “kháng bệnh”, dưới góc độ chuyên môn, ông đánh giá thế nào?" - PV hỏi.
"Chẳng có loại phân bón nào giúp cây kháng được bệnh. Bởi bản chất của tính kháng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào di truyền (giống cây trồng chứa gen kháng bệnh) chứ không phải là dinh dưỡng. Như vậy, nói bón phân kháng được sâu bệnh thì có nghĩa là quảng cáo quá xa sự thật. Theo Luật Quảng cáo, nếu quảng cáo thiếu cơ sở khoa học và đi quá xa so với sự thật thì có thể xử phạt vi phạm hành chính", ông Định nói.
|